Diễn biến trận chiến Trận_Borodino

Lực lượng đôi bên

Quân đội Pháp

Đại quân Pháp (La Grande Armee) do Hoàng đế Napoleon trực tiếp chỉ huy có gần 600.000 quân gồm người Pháp và các đồng minh đã ồ ạt tiến công vào nước Nga ngày 16/6/1812, vị hoàng đế trẻ tuổi nghĩ rằng chỉ một cuộc xâm lược này là có thể buộc người Nga phải thuần phục ông. Trên đường tiến công đoàn quân xâm lược chỉ gặp sức kháng cự yếu ớt, nhưng khi kéo sâu vào lãnh thổ nước Nga thì tình trạng thiếu lương thực, quân số và đạn dược đã gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Tuyến tiếp tế của Napoleon bị căng quá mức, lại còn bị du kích Nga đánh phá dữ dội, khiến lực lượng bị suy giảm nghiêm trọng và nạn đói tràn lan. Đại quân của Napoleon, có hơn 500.000 quân, được chỉ huy bởi những viên tướng tài giỏi chỉ như Louis Davout, Michel Ney và Caulaincourt tiến thẳng tới thủ đô Moskva, nhưng khi vượt sông Neman thì chỉ còn khoảng 160.000, chủ yếu là không theo kịp do kiệt sức, hay chết do đói và bệnh tật. Tính đến thời điểm diễn ra trận Borodino, trong tay Napoleon có 123.000 quân bao gồm quân chính quy và kỵ binh, 37.000 Cận vệ Đế chế và 587 khẩu pháo đủ loại.

Quân đội Nga

Lực lượng Nga đồn trú tại Borodino nằm dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Mikhail Kutuzov có 132.000 quân và 640 khẩu pháo, Kutuzov được Uỷ ban Đặc biệt bầu làm Tổng chỉ huy Quân đội Nga do Tướng Barklay bị Nga Hoàng Alexander I thất sủng vì bất đồng ý kiến về việc có nên mặt đối mặt giao chiến với quân Pháp hay không. Vị Nguyên soái đã nhận thức được rằng ý kiến rút lui của Barklay không sai vì nếu bây giờ họ giao chiến với quân Pháp thì sẽ không thắng nổi mà có nguy cơ bị tiêu diệt, nhưng ông cũng biết nếu cứ tiếp tục rút lui thì sĩ khí quân Nga sẽ tiêu tan hết, cho nên một trận đánh để nâng cao tinh thần ba quân là cần thiết, và cuối cùng vị Nguyên soái chọn thôn Borodino sẽ là nơi giao chiến.

Bản đồ mô tả hình thế chiến trường Borodino năm 1812

Bố trí đội hình

Vị trí của quân Nga tại Borodino được bao bọc bởi một loạt công sự bằng đất chạy dài theo một vòng cung từ phía sông Moskva bên phải, và chạy dọc theo nhánh của nó là sông Kolocha (bờ sông có dốc thẳng đứng, góp phần vào phòng thủ), và hướng tới làng Utitza ở bên trái.[39] Rừng dày rải rác dọc theo bên cánh trái người Nga và ở trung quân Pháp (phía Kolocha), khiến việc triển khai và kiểm soát của người Pháp trở nên khó khăn, và đi song song nó lại giúp những người đang cố phòng thủ. Trung quân Nga được bao quanh bởi trận địa pháo Raievsky, được lắp hàng chục khẩu pháo từ 12 đến 19 pao.

Kutuzov là rất quan tâm tới việc người Pháp có thể đánh chiếm xa lộ Smolensk mới xung quanh vị trí của mình và hướng đến Moskva, do vậy, ông sai tướng Barclay cùng Tập đoàn quân thứ 1 đóng ở phía bên phải bên phải, vị trí này vốn được phòng thủ chắc chắn và hầu như không thể bị tấn công bởi người Pháp. Tập đoàn quân thứ 2 dưới quyền tướng Bagration vốn được dự kiến đóng ở phía bên trái, và phòng tuyến Shevardino đã vỡ khiến tình thế trở nên nghiêm trọng nhưng Kutuzov không làm gì để thay đổi các khuynh hướng ban đầu mặc dù các tướng luôn xin triển khai lại quân đội.

Bagration fleches

Kỵ binh hạng nặng dưới quyền tướng Nansouty tấn công đội hình hình vuông của quân Cận vệ Nga ở bên trái Semyanovskaya. Chi tiết từ Quang cảnh Borodino bởi Franz Roubaud, 1912.Đội Cận vệ Nga xung kích

Khu vực đầu tiên xảy ra đụng độ là Bagration fleches, như đã được dự báo bởi hai tướng Barclay de Tolly và Bagration. Napoleon, thống lĩnh quân đội Pháp, đưa ra nhiều mệnh lệnh thiếu mạch lạc tương tự như đối thủ Nga của mình, việc triển khai quân đội của ông tỏ ra không hiệu quả và không khai thác những điểm yếu của quân Nga. Pháo binh Pháp khai hỏa lúc 6 giờ sáng và cùng lúc đó là liên tiếp những cú đáp trả của người Nga. Quân đội hai bên đều đứng trong tầm bắn của pháo binh đối phương nên thiệt hại về quân số khá lớn.[40] Hai phía sử dụng ba loại đạn khác nhau: đạn thượng, lựu đạn và đạn bi.[41] Những người lính Nga dày dặn kinh nghiệm đứng nhìn đạn pháo địch bay vút qua và nhắc nhở những anh dân quân chớ dại mà dùng chân phan đạn pháo. Sư đoàn Delzon, thuộc quân đoàn của tướng Eugène de Beauharnais, được lệnh chiếm làng Borodino và thành công sau khi bị mất nữa quân số. Hai sư đoàn khác được lệnh vượt sông Kolocha nhằm đáp trả lại bộ binh Nga. Cùng lúc đó Davout tung hai sư đoàn của mình đánh thẳng vào fleches phía nam và san bằng nó sau hai giờ đồng hồ.[42] Mặc dù thành công nhưng Compans lại bị dính chấn thương nặng. Ở phía nam, sư đoàn Tutschkows theo lệnh tướng Poniatowski chiếm được làng Utiza.

Quân Nga được lệnh của Kutusov nhanh chóng đáp trả bằng một cuộc tấn công vào fleches phía nam vốn bị Pháp chiếm trước đó. Thống chế Jean Rapp ra lệnh cho sư đoàn của tướng Compans, được yểm trở bởi tướng Desaix và Junot, sư đoàn Ledrus thuộc quân đoàn của Ney đánh chiếm công sự tiếp theo.[43] Cả hai công sự đều bị người Pháp chiếm sau đó không lâu, nhưng họ lại gặp khó khăn ngay sau đó. Các fleches được thiết kế hình chữ V nên quân Pháp bị đe dọa cả hai phía. Trong 3 giờ đồng hồ tiếp theo, công sự này bị công ít nhất 7 lần. Ngay từ lúc 7 giờ, Kutosov điều ba trung đoàn Cận vệ, 3 trung đoàn Thiết kỵ binh, và 8 trung đoàn lính phóng lựu cùng 24 khẩu đại pháo 24 pao vào đội dự bị.[44] Trong 2 giờ đồng hồ tiếp theo, Kutuzov liên tiếp đưa ra các lệnh rút quân.[45] Lúc mười giờ quân Pháp đánh bật được Bagration và chiếm được tất cả ba fleches. Bagration ngay sau đó thu thập tàn quân và chiếm được lại công sự của mình, nhưng ông lại bị trúng đạn vào chân và chết ngay sau đó ít lâu.[46]

Cuộc tấn công của quân Pháp vào trận địa pháo Raevsky

Hỡi ba quân, phải Moskva đang ở phía sau chúng ta đó không? Chúng ta hãy hy sinh trước Moskva như cha ông ta ngày trước vậy. Và chúng ta thề quyết tử và chúng ta phải giữ lời tuyên thệ trung thành của chúng ta trong trận đánh Borodino.
— Lời một binh sĩ Nga già, giàu lòng yêu nước

Do Napoleon chẳng biết gì về lòng kiên cường đấu tranh của người Nga nên ông nghĩ rằng chỉ một trận đánh Borodino cùng với cuộc xâm lược thành Moskva sẽ buộc người Nga phải thần phục ông.[47] 5 giờ sáng ngay 7-9-1812, quân Pháp bắt đầu tiến công. Thế là mở ra trận Borodino - trận đánh khốc liệt nhất ở châu Âu trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.[48] Các đợt tấn công đầu tiên của quân Pháp nhằm vào cánh phải quân Nga, nhưng ít lâu sau đó, ý đồ của Napoleon đã lộ rõ: mục tiêu thật sự là các lực lượng cánh trái và trung tâm, cụ thể là trận địa pháo Raievsky. Sau khi chiếm lĩnh được nó rồi, quân Pháp sẽ ép quân Nga về dòng sông Kolocha để tiêu diệt

Lúc đầu do có lực lượng ưu thế nên quân Pháp đã chiếm được thôn Borodino nhưng không phát triển tiếp được do quân Nga đánh trả dữ dội. Nhìn chung các cuộc đột kích đầu tiên của quân Pháp nhằm lôi kéo Quân đội Nga di chuyển đội hình về hai cạnh sườn đều không đạt kết quả.

Đến 6 giờ, quân Pháp chuyển sang tiến công trận địa phòng ngự quân Nga ở thôn Semenovski nhưng cũng bị đẩy lùi. Ngay sau đó, Napoleon tập trung 8 sư đoàn bộ binh, 3 quân đoàn kị binh và 120 pháo mở cuộc đột kích lần thứ hai. Quân Pháp lúc đầu chiếm được phía Nam khu vực phòng ngự do tướng Bagration chỉ huy, nhưng sau đó quân Nga phản kích chiếm lại. 8 giờ, quân Pháp mở cuộc công kích lần thứ 3, nhưng lại bị thất bại. Trong khi đó 2 sư đoàn kỵ binh Pháp tiến công trận địa pháo do Raievsky chỉ huy cũng không đạt kết quả. Như vậy, cả ba cuộc công kích của quân Pháp vào khu vực chủ yếu trận địa của quân Nga đã thất bại.

Ở cánh trái trận địa Quân đội Nga, một quân đoàn Pháp sau 3 giờ công kích liên tục đã chiếm được thôn Utisa. Thắng lợi ở Utisa đã củng cố quyết tâm xâm lược của Napoloon. Ông tiếp tục mở 8 đợt công kích vào trận địa pháo của Raievsky và khu vực phòng ngự ở Semenovski. Cuộc chiến tại đây diễn ra rất quyết liệt. Quân Pháp và quân Nga giành giật nhau các khu vực trận địa, quân đội Nga đã liên tiếp đánh lui các đợt tấn công ác liệt của quân Pháp, khi không còn đạn súng hỏa mai, hai bên lao vào dùng gươm và lưỡi lê đánh giáp lá cà. Trong đợt công kích lần thứ 6, Napoleon tập trung trên một đoạn hẹp rộng 1.5 km tới 100 khẩu pháo, và 45.000 quân. Quân Nga có khoảng 15.000 quân và 200 khẩu pháo đã kháng cự vô cùng quyết liệt. Trong lần công kích này của quân Pháp, hơn một nửa số pháo Nga bị phá hủy, công sự bị san bằng nhưng quân Pháp không thể chiếm được trận địa. Vị Nguyên soái anh dũng Bagration bị thương nặng, được đưa ra khỏi chiến trường và không lâu sau qua đời do vết thương không thể chữa được,[49] nhưng tinh thần dũng cảm và ý chí của ông đã thôi thúc những người lính Nga tiếp tục chiến đấu. Mệnh lệnh của Kutuzov "giữ vững trận địa đến người cuối cùng" đã được thông báo cho toàn bộ các đơn vị Quân đội Nga. Tuy nhiên, do lực lượng quân Pháp chiếm ưu thế nên Kutuzov quyết định cho ba quân rút lui theo khe núi ở thôn Semenovski để củng cố lực lượng.

Sau khi chiếm được một số khu vực phòng ngự, quân Pháp tập trung lực lượng mở đợt tiến công và chiếm được khu vực phía Tây thôn Semenovski. Tại đây, trận địa pháo của Raievsky đã ở trước mặt quân Pháp. Napoleon tung hầu hết lực lượng dự bị và đang cân nhắc liệu có tung đội Cận vệ của mình vào chiến đấu hay không. Trước tình thế nguy hiểm đó, Kutuzov đã có một quyết định kịp thời: lệnh cho kỵ binh Nga của tướng Platov tiến công đánh vào cánh trái quân Pháp, đồng thời sử dụng đội kỵ binh Kazak tiến công đoàn xe vận tải của đối phương. Kỵ binh Nga đã chọc thủng được đội hình quân Pháp và gây ra sự hoảng loạn ở hậu phương, buộc Napoleon phải điều lực lượng về cánh trái để duy trì cuộc tiến công vào trận địa pháo của Raievsky và không tung đội cận vệ vào trận chiến. Trận tấn công bị hoãn lại. Chớp thời cơ, Kutuzov tăng cường lực lượng ở trung tâm và cánh trái bằng cách điều lực lượng dự bị và lực lượng từ cánh phải dồn lại. Trong suốt trận đánh kịch liệt, Bá tước Caulaincourt tháp tùng Napoleon. Ông ngồi trong trại quân, cảm thấy thật nhớ thương người vợ mới cưới của mình, cưới chưa được bao ngày thì phải xa cách.[50]

Đến 14 giờ, Napoleon tiếp tục cho lực lượng tiến công trận địa pháo quân Nga và đưa đội dự bị cuối cùng vào chiến đấu. Đội giáp binh của Bá tước Caulaincourt được tung vào trận, sau khi Quân đội Nga tiêu diệt được tướng Pháp Montbrunn.[50] Về phía Nga, sư đoàn 24 của tướng Likhatrov được điều đến bảo vệ. Trận chiến lại diễn ra quyết liệt. Quân Nga chiến đấu dũng cảm theo lời kêu gọi của tướng Likhatrov: "Anh em ơi, phía sau là Mát-xcơ-va." Tuy nhiên quân Pháp càng lúc càng áp đảo, các khẩu pháo Nga lúc này không thể khai hỏa vì quân Pháp quá gần. Các pháo thủ phải dùng cả cây thông nòng để chiến đấu, cuộc chiến giáp lá cà diễn ra ác liệt. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng đến 15 giờ 30 phút, quân Pháp đã chiếm được trận địa. Toàn bộ sư đoàn 24 Nga nằm lại trận địa. Likhatrov cũng phanh ngực xông thẳng vào lưỡi lê của quân địch, trận địa pháo thất thủ. Bên cạnh xác các binh sĩ Nga là 1.000 xác chết thuộc đội giáp binh của quân Pháp, trong đó có cả Caulaincourt. Khi giao chiến với Likhatrov, Caulaincourt đã bị trúng một viên đạn súng hỏa mai Quân đội Nga và ngã xuống trước toàn thể đội giáp binh của ông ta, và đây là một tổn thất lớn lao đối với Napoléon nói riêng và toàn thể quân Pháp nói chung.[50][51]

Song việc chiếm trận địa pháo của Raievsky không còn ý nghĩa. Lúc đó, quân Nga đã bỏ khu vực phòng ngự ở cánh trái và trung tâm lên chiếm lĩnh trận địa mới cách đó từ 1 đến 1.5 km. Như vậy, quân Nga mặc dù bị mất một số khu vực nhưng vẫn giữ được vững đội hình chiến đấu. Trong khi đó quân Pháp sau nhiều lần công kích, lực lượng bị tiêu hao quá lớn buộc Napoleon phải ngừng công kích, ra lệnh cho quân Pháp rút về vị trí xuất phát tiến công. Đó cũng là biểu hiện sự bế tắc của Napoleon trong trận này. Ngay sau đó quân Nga đã phản công chiếm lại các vị trí tiền tiêu. Đại văn hào Lev Nikolayevich Tolstoy có viết:[5]

Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy.
— Lev Nikolayevich Tolstoy

Đến 18 giờ, sau khi tổ chức củng cố lại trận địa, Kutuzov tuyên bố quân Nga chiến thắng và ông vẫn động viên quân Nga sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công của quân Pháp đồng thời chuẩn bị cho cuộc tiến công quân địch vào sáng hôm sau. Với cuộc đấu tranh anh dũng của Quân đội Nga, giờ đây quân cướp nước đã suy yếu, và trận đánh Borodino đã trở thành một chiến thắng thực sự của nước Nga.[52] Song, về phía quân Nga cũng bị tổn thất lớn qua các đợt công kích liên tục của quân Pháp khiến Kutuzov phải suy nghĩ. Ông cho rằng dù đã đánh bại các cuộc công kích của quân Pháp, song cho đến thời điểm này, lực lượng chủ yếu của Quân đội Nga vẫn cần phải được bảo toàn, chờ thời cơ giành chiến thắng quyết định. Bằng sự cân nhắc trận trọng đó, Kutuzov quyết định cho Quân đội Nga rút khỏi Borodino.

Trung đoàn Izmailovsky của Nga trong trận chiến BorodinoCuộc chiến đấu của người Nga ở cứ điển Shevardin. Tranh của Nikolai Samokish năm 1910

Napoléon không tung đội Cận vệ tham chiến

Cuộc chiến đã rằng co tới mức Napoleon đã không dám sử dụng 37.000 quân thuộc lực lượng Cận vệ Đế chế vì sợ rằng cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn vào ngày tiếp theo. Napoleon từng nói rằng một trận thắng vang dội thể hiện qua số lượng tù binh đối phương bị bắt, trong khi trong trận đánh này quân Pháp xâm lược chỉ có thể bắt sống được 800 tù binh Nga, do đó hào khí của Quân đội Nga hoàn toàn không bị lung lay.[53] Theo thấu hiểu của Nguyên soái Kutuzov, chừng nào lực lượng Quân đội Nga vẫn còn tồn tại thì quân xâm lược không thể nào thắng cuộc được.[54] Trong kiệt tác Chiến tranh và Hòa bình, đại văn hào Lev Nikolayevich Tolstoy có viết:[5]

Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội Cận Vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra nếu Napoléon cho đội Cận Vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân Pháp đã suy sụp không cho phép làm như vậy.
— Lev Tolstoy

Tuy nhiên, khi chiều tối, Kutuzov đã quyết định rút khỏi trận chiến và lệnh cho tướng Gortrakov bí mật rút quân ra sau thung lũng Semenovski. Do việc tuyên bố chiến thắng của ông trước đó đã làm cho hào khí của Quân đội Nga lên đến tột độ, nhiều chiến binh không đồng ý với việc lui quân. Tuy nhiên, họ vẫn tuyên lệnh vị chủ tướng. Trận chiến Borodino đã kết thúc giữa chừng. Trên đường rút, các chiến binh Nga chôn cất các liệt sĩ, và quân thù phải lác mắt trước cuộc lui binh này. Có người Pháp tên Fantin des Odoards phải viết trong nhật ký của ông ta: "Nói trắng ra, những con người đó - mà chúng ta hay gọi là man di mọi rợ đã chăm sóc kỹ lưỡng các thương binh và chôn cất tử tế các binh sĩ trận vong của họ..." Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm thương binh Nga tập hợp ở Mozhaisk, và họ bị kẹt lại ở đó vì không có ai đưa khỏi. Theo như lời giải thích của Mikhailovsky- Danilevsky:[55]

Chính quyền dân sự của tỉnh Moskva giải thích về việc thiếu thốn phương tiện vận chuyển là do những quận gần với chiến trường nhất được Bộ trưởng Bộ Chiến tranh theo dõi, trong khi chính quyền quân sự tìm thấy rất ít người còn lại ở làng, do phần lớn người phải rút đi để tránh bị rơi vào tay địch.
— Mikhailovsky-Danileysky

Những lời yêu cầu khẩn thiết của Kutuzov đến quan Tổng đốc Rostopchin về việc cung cấp ngựa và phương tiện vận tải đều bị phớt lờ, và cuối cùng những thương binh Nga tại Mozhaisk bị bỏ qua.[55] Sáng hôm sau trận đánh khốc liệt, Napoleon ra quan sát chiến trường, và một bộ tướng của ông ta là Armand Augustin Louis de Caulaincourt phải nhận định, Borodino "chất đầy thây người".[55]

Trận chiến Borodino được coi là trận đánh một ngày đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ 19. Theo thống kê của nhà sử học Adam Zamoyski, quân đội Pháp đã có 28.085 binh sĩ thiệt mạng và bị thương[56], còn theo ông Lê Vinh Quốc thì thiệt hại là 58.000, trong đó có 53 tướng. Theo "USSR information bulletin" thì Kỵ binh Pháp là đơn vị bị thiệt hại thê thảm hơn cả.[4], với 60% lực lượng bị thương vong. Quân đội Nga thì mất khoảng 38.000 - 45.000 quân, trong đó có 23 tướng. Quân Nga mất nhiều lính hơn Pháp khoảng 25%, nhưng tổn thất về tướng lĩnh và sĩ quan của họ chỉ bằng một nửa so với Pháp.

Tổng cộng thiệt hại cho cả hai bên là 73.000 quân, tức gần 1/4 tổng số quân được hai bên huy động cho trận đánh. Nếu tính trung bình mỗi giờ có 8.500 binh sĩ của cả hai bên phải bỏ mạng tại chiến trường, một trung đội trong một phút. Có những đơn vị mất gần 80% quân số. Song, Nguyên soái Kutuzov hãy còn nhiều quân dự bị để có thể huy động thêm, và ông có thể không cần phải lo âu nếu địch quân tuyên bố chiến thắng. Ông đã giữ vững được lực lượng Quân đội Nga và đánh cho quân đội địch bị suy nhược.[57] Như đại văn hào Lev N. Tolstoy đã tưởng tượng trong tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình":[5]

Tử thi quân Nga khi kết thúc trận chiến
Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được.
— Lev Nikolayevich Tolstoy

Theo truyện "chiến tranh và Hòa bình" của Lev Tolstoy thì "Không những Napoléon mà toàn quân Pháp - dù có đích thân tham chiến hoặc là không đích thân tham chiến, và dù đã có được nhiều trải nghiệm vì chuyên đi cướp nước trong vòng nhiều năm, đều cảm thấy hoảng sợ vì Quân đội Nga vẫn sống còn dù nhiều binh sĩ Nga đã hy sinh.[5] Vào ngày 11 tháng 9 năm 1812, tại kinh thành Sankt-Peterburg, Nga hoàng Aleksandr I đã nghe được những tin tức đầu tiên về trận đánh kịch liệt tại Borodino, và về chiến thắng vang dội của Kutuzov nữa. Không những thế, sau đó diễn ra lễ mừng thọ Nga hoàng, do đó người Nga vui sướng làm lễ tại chốn kinh kỳ trong suốt hai ngày liền. 9 ngày sau đó Kutuzov cũng trình bày chiến lược của ông cho nhà vua".[58] Trong khi đó cũng theo tiểu thuyết "chiến tranh và Hòa bình" của Nga thì "đối với người Pháp, thất bại này góp phần làm cho sự sụp đổ và thất bại của bọn họ là khó tránh khỏi".[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Borodino http://www.allworldwars.com/The%20Batlle%20of%20Bo... http://napoleonistyka.atspace.com/Borodino_battle.... http://www.civilwarhome.com/foxs.htm http://www.igoralekseev.com/blog/photo/bitva-pri-b... http://www.wtj.com/archives/lejeune1.htm http://www.hamilton.edu/academics/Russian/warandpe... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://books.google.com.vn/books?ei=0YnGTZnwN42GvA... http://books.google.com.vn/books?id=Y2n_GgAACAAJ&d... http://books.google.com.vn/books?id=eMpBAAAAYAAJ&q...